Đoàn thể Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu sống hiệp hành thế nào trước lời mời gọi của Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐGM) lần thứ XVI-2023 – HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH: HIỆP HÀNH – THAM GIA – SỨ VỤ?
I- Tìm hiểu về Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI, 2021 -2023
THĐGM được Đức Giáo Hoàng Phaolo VI thiết lập ngày 15 tháng 9 năm 1965 qua Tự sắc Apostolica Sollicitudo, nhằm đáp lại nguyện vọng của các nghị phụ Công đồng chung Vaticano II.Ngày 15 tháng 9 năm 2018 , với ý muốn canh tân THĐGM , Đức Giáo Hoàng Phanxico ban hành Tông hiến Episcopalis communio (sự hiệp thông Giám Mục). Tông hiến quy định rằng, từ nay có thêm giai đoạn tham khảo ý kiến dân Chúa ở các Giáo hội địa phương với tiến trình kéo dài 3 năm, theo 3 giai đoạn: giáo phận, châu lục và hoàn vũ.
II- Mục đích và chủ đề của THĐGM XVI
a/ Mục đích:
– Thúc đẩy những trải nghiệm sống động về sự phân định, tham gia và đồng trách nhiệm của cộng đồng dân Chúa để phục vụ cho sứ mạng của Hội Thánh trên toàn thế giới.
– Tạo nên những mối tương quan mới mẻ và sâu sắc hơn.
– Canh tân não trạng và cơ cấu của Giáo hội.
– Mời gọi cùng bước đi trên con đường hiệp hành nhằm phục vụ cho cuộc đối thoại của Thiên Chúa với nhân loại.
b/Chủ đề :
Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ mạng
Ba chiều kích: hiệp thông, tham gia, sứ vụ của chủ đề Giáo hội hiệp hành có mối quan hệ mật thiết với nhau, có sự tương quan năng động làm phong phú và định hướng cho nhau.
Hiệp thông: Nguồn cội sâu sa của sự hiệp thông trong dân Chúa phát xuất từ tình yêu và sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Tham gia: Tất cả các tín hữu đều có đủ tư cách và ân ban để phục vụ lẫn nhau và tham gia vào sứ mạng của Giáo hội qua ơn Chúa Thánh Thần .
Sứ mạng: Sứ mạng của tất cả chúng ta là làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa toàn thể gia đình nhân loại .
III- Hưởng ứng lời mời gọi của Giáo hội, đoàn thể GĐPTTTCG sống hiệp hành thế nào?
Giáo hội hiệp hành là Giáo hội trong đó mọi người hiệp thông với Chúa và hiệp thông với nhau, cụ thể qua việc mọi người tham gia tích cực vào đời sống Giáo hội trong tinh thần đồng trách nhiệm.
Đoàn thể GĐPTTTCG được mời gọi sống hiệp hành theo tinh thần:
1/ Xin “Làm theo ý Cha hơn là ý con…”
“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống…” (Ga 14,6).
Con đường hiệp hành này là chính con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội Thánh của thiên niên kỷ thứ ba… vì hiệp hành là một tiến trình thiêng liêng do Chúa Thánh Thần dẫn dắt trên niềm xác tín – Thiên Chúa vẫn đang hoạt động trong lòng thế giới và trên mỗi con người chúng ta.
Do đó, các thành viên của đoàn thể được mời gọi cùng bước đi theo Chúa trên cùng con đường theo tinh thần biết “uốn lòng giống như Trái Tim Chúa”, biết hy sinh, dấn thân, từ bỏ… biết sống hiền lành và khiêm nhượng theo lời mời gọi của Chúa: “… Những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghĩ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,28-29)
– Sứ vụ chính yếu mà Chúa Giêsu mời gọi người đoàn viên GĐPTTTCG là làm TÔNG ĐỒ cho THÁNH TÂM CHÚA, thực thi nhiệm vụ làm chứng cho Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Chúa nơi tha nhân.
– Làm tông đồ cho Chúa có nghĩa là thực thi bổn phận và trách nhiệm của người Kitô hữu trước chính mình, gia đình mình, Giáo hội, xã hội và tha nhân – Đó chính là thực hiện lời mời gọi của Chúa: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16,24) để trong hành trình hoạt động tông đồ này, qua tình yêu và Lòng Thương Xót của Chúa; thập giá đời mình sẽ được biến đổi thành Thánh giá Chúa Kitô .
2/ Đồng hành với nhau trên cùng một nẻo đường, chấp nhận không loại trừ nhau trong tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Hai người môn đệ rời Jerusalem trên đường Emmau, bước đi bên nhau trên cùng con đường nhưng tâm hồn dao động, bất định, mất phương hướng vì không còn Chúa; cũng vậy, người đoàn viên của đoàn thể cùng đồng hành với nhau trong hoạt động tông đồ phải cần có Chúa hiện diện để được soi sáng, mở trí, mở lòng đón nhận nhau, nâng đỡ nhau, giúp nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ tông đồ mà Giáo hội và cộng đoàn đã tin tưởng giao phó .
– Trong hoạt động tông đồ giữa lòng xã hội, người Kitô hữu nói chung, và anh chị em đoàn viên GĐPTTTCG nói riêng, cần nhớ lời khuyên ân cần của Chúa “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35)
– “Để tất cả chúng ta nên một” (Ga 17,21). Người đoàn viên nên lắng nghe Lời Chúa Giêsu thiết tha khẩn cầu Thiên Chúa Cha – Để các môn đệ của Người luôn được hiệp nhất với nhau.
– Đoàn thể GĐPTTTCG quy tụ các thành viên cả nam lẫn nữ, do đó trong hoạt động tông đồ, mối tương quan chăm sóc, hỗ trợ nhau cần thể hiện tình cảm trong sáng, chân chính trên tinh thần của những người tông đồ cùng gánh vác trách nhiệm chung. Đặc biệt là các thành viên BCH các cấp có nhiều hoạt động hội họp, công tác cùng nhau… lãnh đạo cần lưu tâm phân công bố trí nhân sự hợp lý, tránh tạo điều kiện các thành viên nam nữ vi phạm đạo đức, ảnh hưởng đời sống hôn nhân gia đình, sai luật Giáo hội, ảnh hưởng xấu đến đoàn thể.
3/ Hoán cải và thay đổi ngay chính trong đời sống sinh hoạt nền tảng của đoàn thể: THỰC THI SỨ VỤ TÔNG ĐỒ.
“Để ‘Cùng nhau cất bước hành trình’, chúng ta cần để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn, nhờ đó có được tinh thần hiệp hành thực sự, bằng cách can đảm và tự do dấn bước vào tiến trình hoán cải…” (tài liệu chuẩn bị Synod 2021-2023)
Điều này chỉ có thể có được khi trong hành trình thực thi sứ vụ tông đồ, chúng ta biết lắng nghe nhau, đối thoại trong tinh thần khiêm tốn, cầu thị, tôn trọng sự khác biệt của nhau… để qua ơn Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa luôn hiện diện trên mọi bước đường hoạt động tông đồ của đoàn thể.
Tiến trình hiệp hành không phải là điều mới mẻ trong sinh hoạt Hội thánh (hiệp thông, tham gia, sứ vụ) nhưng cần phải có sự hoán cải thực chất, thay đổi nền tảng từ tư duy cho đến hành động trong mọi hoạt động tông đồ của đoàn thể… Như Giáo hội, bản chất của đoàn thể là truyền giáo, là tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa đến khắp muôn nơi, là làm chứng cho Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại, nên để sống hiệp hành theo lời mời gọi của Giáo hội, hoạt động của đoàn thể cần có sự chuyển biến cụ thể… BCH các cấp, đặc biệt là người đứng đầu phải ý thức xây dựng đoàn thể là một tập thể đồng tâm luôn hiệp nhất với Trái Tim yêu thương của Chúa, để có thể nên một trong lời nói, việc làm…; cộng tác với Giáo hội trên tinh thần vâng phục có trách nhiệm, điều hành đoàn thể đúng theo tinh thần linh đạo: hy sinh, dấn thân, từ bỏ… bằng thái độ hiền lành, khiêm nhường, biết lắng nghe, tôn trọng nhau thực chất… sẵn sàng chia sẻ, nâng đở nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ trong tinh thần đồng trách nhiệm. “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48)
4/ Củng cố đời sống nội tâm, thiêng liêng :
Hợp nhất với Chúa Giêsu Kitô trong mọi hoạt động tông đồ, để Lửa Mến của Thánh Tâm Chúa được bừng cháy lên trong lòng các đoàn viên, biến đổi mọi người trở nên muối, nên men… là chứng nhân cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa nơi thế gian này qua: các sinh hoạt đạo đức, chia sẻ bác ái,phục vụ tha nhân…
“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 29,18-20)
– Người đoàn viên GĐPTTTCG được mời gọi nên Thánh trong hành trình hoạt động tông đồ, thánh hóa gia đình trong đời sống yêu thương và phục vụ, cũng như cộng tác với Giáo hội trong việc thánh hóa cộng đồng nhân loại qua đời sống chứng nhân, đem Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô đến với mọi người trong tinh thần – Có Chúa, Yêu Chúa, giống Chúa… mới có thể đem Chúa đến với mọi người. Do đó, BCH các cấp, đặc biệt tại các xứ đoàn, cần thường xuyên nhắc nhở và mời gọi anh chị em đoàn viên tuân giữ nhiệm vụ thiêng liêng; tham dự các sinh hoạt đạo đức trong giáo xứ và tại các gia đình cũng như cộng tác với đoàn thể trong mọi hoạt động tông đồ bác ái phục vụ xã hội, Giáo hội và tha nhân.
5/ Kiện toàn sinh hoạt nội bộ ổn định:
Xây dựng ý thức trách nhiệm, đồng trách nhiệm thực thi sứ vụ với những hình thức phân công, phân nhiệm cụ thể theo năng lực, khả năng, ơn gọi riêng của mỗi người trên tinh thần đoàn kết, yêu thương như lời Chúa dạy bảo: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải là người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23,11-12 ) và biết tôn trọng nhau “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”. (Mt 7,12)
– Mọi người đều được Chúa mời gọi vào làm vườn nho của Chúa vào bất kỳ thời gian nào; bằng bất cứ năng lực nào và bằng mọi sự đáp trả nào… nên trong sinh hoạt nội bộ, các thành viên của đoàn thể tránh phê phán, xét đoán nhau… vì chỉ có Chúa mới là Đấng có quyền phân định và đánh giá sự cộng tác mỗi người vào công trình cứu độ của Người nơi thế gian này. “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” (Lc 6,37)
– Việc kiện toàn sinh hoạt đoàn thể cần dựa vào nền tảng nắm bắt và thông suốt cơ cấu tổ chức, phương hướng hoạt động, bồi dưỡng đạo đức… qua quyển nội quy của đoàn thể. Do đó BCH các cấp cần thường xuyên tổ chức học tập nội quy, hướng dẫn cách thực hiện các nghi thức và thường xuyên tham gia các sinh hoạt đạo đức trong đơn vị và tại các gia đình đoàn viên để từ đó có thể phát hiện những thiếu xót cần hoán cải; những ưu điểm cần phát huy nhằm có thể giúp hoàn thiện các mặt hoạt động của đoàn thể. Ngoài ra BCH các cấp cần trang bị và sử dụng các tài liệu hướng dẫn, định hướng hoạt động chung của đoàn thể như: Nội san Lửa Mến, Mẫu 20 giờ Chầu Thánh Thể, Giờ kinh Đền tạ… để sinh hoạt của đoàn thể được hiệu quả và có tính hiệp nhất trong cả nước. Người đứng đầu tại các đơn vị là những người có trách nhiệm chính và mang tính quyết định trong việc kiện toàn sinh hoạt hiệu quả của đơn vị mình.
KẾT LUẬN:
Mọi thành phần dân Chúa đều được mời gọi tham gia vào tiến trình hiệp hành của Giáo hội nên đoàn thể cũng cần phải nâng cao nhận thức trong việc phổ biến, huấn luyện tinh thần hiệp hành trong tất cả thành viên trong đoàn thể đặc biệt ở những người đang gánh vác trách nhiệm lãnh đạo. “Cùng nhau cất bước hành trình” phải trở nên linh đạo của đoàn thể trong giai đoạn mới. Ở đó, các thành viên của đoàn thể phải được huấn luyện con người nhân bản, tinh thần biết lắng nghe nhau, tham gia đối thọai cùng nhau trong tinh thần xây dựng; biết phân định và thực thi quyền bính dựa trên sự đồng thuận, cùng chia sẻ sứ vụ, đồng trách nhiệm… để đoàn thể có thể đóng góp hiệu quả vào tiến trình hiệp hành của Giáo hội địa phương.