GP. Long Xuyên
Giuse Đào Duy Chính
Ngày 21.9.2022, BCH GĐPTTTCG GP Long Xuyên đã họp để đề cử thành viên bầu vào BCH GĐPTTTCG liên hạt Tân Hiệp-Tân Thạnh, gồm các anh:
Số lượt xem bài viết (28)
ĐGM GB. Bùi Tuần
1. Từ lâu rồi, tôi vẫn sống thân mật với Đức Mẹ Maria. Bởi vì tôi được biết chắc chắn: Chúa đã trao tôi cho Đức Mẹ, và Đức Mẹ nhận tôi làm con của Đức Mẹ.
Bất cứ việc gì tôi biết là cách để mình thuộc về Đức Mẹ, thì tôi vui vẻ lắm.
Tôi được an tâm.
2. Nhưng từ ít tháng nay, nhất là lúc này, sự an tâm của tôi về đời sống thân mật với Đức Mẹ được Đức Mẹ đánh thức.
3. Bằng nhiều cách, Đức Mẹ đánh thức tôi. Hãy để ý đến một nhu cầu cấp bách cho thời điểm này, đó là hãy thực sự biết đau cái đau của người khổ đau.
4. Mẹ đánh thức tôi thế này: Tôi đang đau nhiều lắm. Phần xác đau, phần hồn đau. Tôi mong được cứu. Chính trong tình trạng thê thảm đó, tôi được những tấm lòng tốt đến với tôi.
Họ cho tôi những gì họ có. Của họ cho không nhiều. Nhưng quý hóa là cách họ cho tôi.
5. Tôi nhận ra ngay họ không là những người vô cảm mà là những người đồng cảm. Họ đau cái đau của tôi một cách sâu sắc. Họ an ủi tôi bằng những gì là cụ thể và quảng đại.
6. Tôi được an ủi. Từ sự an ủi đó, Đức Mẹ dạy tôi: “Những gì con đã nhận lãnh, thì con cũng hãy cho đi như vậy”.
7. Trong một thoáng nhìn, tôi thấy hiện giờ những người đau khổ là rất đông. Mẹ muốn tôi hãy cùng với Mẹ mà cứu họ.
Hãy cứu họ bằng những gì là cụ thể và quảng đại.
8. Tôi còn rất nhớ lời Đức Thánh Cha Benedicto XVI có lần đã nhấn mạnh: “Lúc này cần thương người bằng những gì là cụ thể và quảng đại”.
9. Tôi xét mình, thì thấy tôi chưa cụ thể và quảng đại đủ trong cuộc sống liên đới với những người đau khổ xung quanh tôi.
10. Tôi muốn sửa mình. Nhưng tôi biết tự mình tôi không sửa mình được. Nên tôi phó thác sự sửa mình của tôi cho Đức Mẹ.
11. Đức Mẹ đang giúp tôi sửa mình từng giờ, từng phút. Nguy cơ lớn nhất cản ngăn việc Mẹ đang làm nơi tôi, đó là sự tự mãn hay lẻn vào trong tôi, những lúc tôi không ngờ.
12. Vì thế, lúc này hơn bao giờ hết, tôi thấy tôi phải luôn vâng lời Chúa, mà “tỉnh thức và cầu nguyện”.
13. Khi nào, tôi còn thấy mình biết đau cái đau của người khổ đau, đó là dấu hiệu sức khỏe tâm hồn tôi tốt.
Nếu không, thì đó là dấu hiệu báo nguy.
Xin Mẹ thương cứu giúp con.
Long Xuyên, ngày 11.11.2021
Số lượt xem bài viết (25)
ĐGM GB. Bùi Tuần
1. Lúc này hơn bao giờ hết, tôi khao khát được bình an.
2. Trên thực tế, ngay từ lúc vừa thức dậy, tôi dã bắt đầu đón nhận sự bình an đến từ Đức Mẹ.
3. Đức Mẹ giúp tôi nâng tâm hồn lên với Chúa. Tôi được Chúa âu yếm đoái nhìn. Cái nhìn của Chúa như một luồng sáng tràn vào hồn tôi tình yêu cứu độ của Chúa.
4. Tôi cảm nhận rất rõ Chúa là Đấng cứu độ giàu lòng thương xót. Tôi thấy mình rất cần được cứu. Nhiều người cứu tôi. Nhưng Chúa mới là Đấng cứu độ, vừa có quyền năng, vừa có lòng thương xót.
5. Cảm nhận đó khiến tôi phó thác toàn thể con người của tôi và tất cả cuộc sống của tôi cho Chúa.
6. Sự phó thác mình tôi cho Chúa trở thành một cuộc sống chìm sâu trong tình thương của Chúa.
7. Lúc nào tôi cũng gặp gỡ Chúa. Lúc nào tôi cũng tìm Chúa. Lúc nào tôi cũng thuộc về Chúa.
8. Tôi ở lại trong Chúa. Tôi gắn chặt tôi vào Chúa, như cành nho gắn chặt vào thân cây nho.
9. Vâng như vậy, tôi được bình an. Sự bình an đó rất lạ lùng.
10. Tôi không tránh được những cơn đau. Tôi vẫn phải phấn đấu. Nhưng tôi vẫn được bình an.
11. Nhiều lúc tôi rất mệt mỏi. Tôi có thể nghỉ ngơi cách này cách khác. Nhưng sau cùng, tôi thấy được nghỉ ngơi trong Chúa vẫn là một hạnh phúc tuyệt vời, đem lại bình an sâu sắc.
12. Tới đây, tôi sực nhớ lại lời chào chúc mà Chúa Giêsu gửi cho các muôn đệ của Ngài sau khi sống lại. Bao giờ hiện ra, Chúa cũng chào chúc: “Bình an cho các con”.
13. Chúa Giêsu nay vẫn hay chào chúc tôi như vậy, những khi tôi nói chuyện với Chúa về hoàn cảnh của tôi. Lời chúc bình an của Chúa có sức thiêng lạ lùng, đem lại cho tôi những chữa lành sâu sắc trong tâm hồn tôi.
14. Vì thế, điều quan trọng đói với tôi trong cuộc sống hiện nay chính là sự gặp gỡ Chúa.
15. Ngay những khi cử hành Thánh Lễ, tôi phải coi sự gặp gỡ Chúa là cốt yếu, chứ không phải là lo nghi thức.
16. Đức Thánh cha Bênêđictô XVI đã nhiều lần nhắc cho tôi điều quan trọng đó.
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng nêu gương đó cho tôi.
17. Hiện giờ, phong trào tổ chức Thánh Lễ trực tuyến tại nhiều nơi đang bùng phát nguy cơ nặng về trình diễn, không đem lại sự bình an đích thực cho các tâm hồn.
Nhận thức đó là hữu ích, cái gì tốt thì giữ lại. Cái gì không tốt thì bỏ.
18. Điều Đức Mẹ hay nhắc nhở tôi về sự bình an, là hãy luôn sống theo thánh ý Chúa, xa tránh tội lỗi và chân thành sám hối.
19. Sự bình an của Chúa là một ơn cao quí, chỉ Chúa mới ban tặng được cho chúng ta.
Long Xuyên, ngày 15.11.2021
Số lượt xem bài viết (25)
ĐGM GB. Bùi Tuần
1. Tình hình lúc này là rất bất ổn trong mọi lãnh vực, khắp nơi, một cách khủng khiếp.
Người ta phải phấn đấu từng ngày, từng giờ, từng phút để bám lấy bất cứ gì là hy vọng
2. Đối với tôi, hy vọng lớn nhất là Đức Mẹ Maria.
Tôi đã được Chúa trao phó tôi cho Đức Mẹ. Tôi đã được Đức Mẹ nhận là con của Mẹ.
Đã từ nhỏ tới giờ, tôi vẫn sống thân mật gắn bó với Đức Mẹ. Hoàn cảnh càng phức tạp, tôi càng bám vào Đức Mẹ.
3. Đối với tôi, hoàn cảnh hiện giờ là rất phức tạp.
Một đàng do ngoại cảnh.
Một đàng do bản thân tôi, tuổi già, sức yếu.
4. Chính vì vậy, tôi càng bám vào Đức Mẹ. Lúc nào, tôi cũng cảm nhận Đức Mẹ ở bên tôi.
5. Bằng nhiều cách, Đức Mẹ luôn khuyên nhủ tôi hai điều sau đây.
Một là hãy xa tránh tội lỗi.
Hai là hãy tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa.
6. Xa tránh tội lỗi, thì tôi vẫn quyết tâm. Nhưng trên thực tế, tôi phải thú nhận như thánh Phaolo xưa: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19).
7. Tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, thì tôi vẫn tin tưởng.
Tôi tin Chúa, vì xót thương tôi, nên đã tìm tôi.
Chúa tìm tôi, để xóa tội lỗi cho tôi.
8. Tuy nhiên, được như thế, mà nhiều khi tôi không coi là một ơn vô cùng quý giá. Có lúc tôi vẫn dửng dưng.
9. Thực tế cho thấy tôi rất yếu đuối. Nhưng không vì thế, mà Đức Mẹ ruồng bỏ tôi.
10. Tình thương Mẹ dành cho tôi thực là bao la, bền vững. Mẹ vẫn tiếp tục thương tôi.
Tôi có cảm tưởng là ngày nào tôi cũng được Đức Mẹ đào tạo nên một con người mới.
11. Tôi trở nên bé nhỏ hơn, đơn sơ hơn, phó thác hơn.
Còn Đức Mẹ, thì lo cho tôi đủ thứ, từ nhu cầu lớn đến nhu cầu nhỏ. Mẹ dắt dìu tôi. Mẹ xót thương tôi.
12. Hiện giờ, tôi hướng nhìn lên trái tim Đức Mẹ. Từ trái tim Mẹ, tôi nghe những tiếng kêu gọi tha thiết: “Con ơi, hãy đến ẩn mình trong trái tim Mẹ”.
13. Tôi ẩn náu trong trái tim Mẹ,và tôi được hạnh phúc.
14. Trong trái tim Mẹ, tôi cũng được gặp nhiều tâm hồn ẩn náu trong đó. Họ được Mẹ quy tụ trong đó. Nhiều người không là Công giáo. Đó là điều bất ngờ khiến tôi càng cảm ơn Chúa đã ban Đức Mẹ cho nhân loại.
15. Tới đây, tôi xin nói chỉ một lời để kết thúc. Đó là hãy lắng nghe Đức Mẹ kêu gọi. Thời điểm này là rất nghiêm trọng.
Long Xuyên, ngày 09.11.2021
Số lượt xem bài viết (10)
ĐGM GB. Bùi Tuần
1. Thời sự từ mấy tháng nay nói nhiều về những người chết. Chết nhiều, chết tức tưởi.
2. Tôi cầu nguyện cho họ. Và tôi nghĩ đến số phận của tôi. Biết đâu tôi cũng sắp chết như họ.
3. Một lúc không ngờ, tôi nghe Đức Mẹ gọi tôi: “Hãy lắng nghe những người đã chết”.
Tôi lắng nghe nhiều người chết nói với tôi. Trong số đó, có Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II, Đức Hồng y Phanxico Nguyễn Văn Thuận, chị tiểu muội Magdeleine de fesus, Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ.
4. Tất cả các đấng đó đều nói với tôi đại khái thế này: “Chúng tôi hiện giờ đang rất hạnh phúc. Bởi vì, khi còn sống chúng tôi đã thuộc về Chúa, thuộc về Hội thánh Chúa”.
5. Chính Chúa, mà chúng tôi tôn thờ và gắn bó, khi chúng tôi còn sống trên cõi đời, đón chúng tôi khi chúng tôi bước qua cái chết, để vào cõi sau.
6. Chính Hội thánh, mà chúng tôi sống hiệp nhất khi chúng tôi còn sống đã đón chúng tôi. Họ rất đông ở trên trời.
7. Tất cả đều khuyên tôi, khi còn sống, hãy hết lòng thuộc về Chúa, và thực tình thuộc về Hội thánh Chúa.
8. Hết lòng thuộc về Chúa, đối với tôi, là một cuộc sống luôn luôn đón chờ Chúa, luôn luôn ở lại trong Chúa, luôn luôn sống mật thiết với Chúa, luôn luôn lắng nghe Chúa.
9. Tôi luôn tin rằng: Chính Chúa đi tìm tôi. Người đi tìm tôi, để xóa tội cho tôi, để chũa lành tôi, để an ủi tôi, để vỗ về tôi là kẻ sợ sệt, yếu đuối và tội lỗi.
10. Những người đã chết khuyên tôi. Để thuộc về Chúa, hãy gắn bó với Hội thánh Chúa.
Phải hiểu Hội thánh Chúa là một thực tại gồm nhiều thành phần, ở trần gian, ở trên thiên đàng, và ở dưới luyện ngục.
11. Riêng tôi, tôi sống hiệp thiệp thông với các thành phần Hội thánh Chúa một cách đơn sơ. Tôi hay lặng lẽ gửi đến các thành phần Hội thánh tâm tình của tôi.
Có lúc tôi nói với các thiên thần. Có lúc tôi nói với các Thánh trên trời, có lúc tôi nói với các linh hồn dưới luyện ngục.
12. Tôi gửi đi, và tôi đã nhận được hồi âm.
Hội thánh từ các nơi, trên trời, dưới đất và trong luyện ngục đều lo cho tôi, theo sáng kiến của Chúa Thánh Thần. Tôi cảm nhận rất rõ sức mạnh của cuộc sống hiệp thông.
13. Lắng nghe những người đã chết đó là sự thực đang mang lại cho tôi hạnh phúc.
14. Đời tôi là một chuỗi dài những chia ly với nhũng người thân. Họ đi về cõi sau.
Tôi còn ở lại trần gian.
Nhưng chúng tôi nay thường lại gặp nhau. Họ khuyên tôi hãy biết lo cho những người khổ đau theo gương Chúa Giêsu.
Long Xuyên, ngày 02.11.2021
Số lượt xem bài viết (21)
ĐGM GB. Bùi Tuần
1. Đã từ lâu rồi, nhưng đặc biệt lúc này, Đức Mẹ dạy tôi điều này: “Hãy luôn coi mình là kẻ cần đón nhận, chứ đừng chỉ lo cho đi”.
Thực là như vậy.
2. Tôi luôn đón nhận sự tha thứ của Chúa dành cho tôi, cho dù tội tôi rất nhiều.
3. Tôi luôn đón nhận lòng xót thương của Chúa dành cho tôi. Chúa bảo vệ tôi như con ngươi trong mắt Chúa. Chúa cho tôi ẩn mình trong đôi cánh bay của Chúa. Như Thánh vương Đavid đã nói xưa. (Tv 17,8)
4. Khi tôi vâng ý Đức Mẹ, coi mình là kẻ lãnh nhận nhiều hơn là cho đi, thì tôi cảm nhận được hạnh phúc của trẻ thơ. Tôi thấy mình như trẻ thơ, mà Chúa nhiều lần nhắc tới trong Phúc Âm.
5. Hạnh phúc của trẻ thơ là đón nhận tình thương của mẹ, của cha.
Hạnh phúc của tôi đúng là như vậy.
6. Nhưng để trở nên trẻ thơ thiêng liêng, thì phải có ơn Chúa. Ơn làm cho tôi được trở nên trẻ thơ trong đời sống thiêng liêng là một sự hoán cải, một ơn trở về.
7. Nếu không có ơn Chúa giúp, con người tự nhiên thích cho mình là kẻ cho đi nhiều hơn là lãnh nhận. Tự mãn, tự phụ, tự đắc coi đó là dám nói dám làm.
8. Satan cũng theo hướng đó, mà đẩy con người đi xa mãi trên con đường tự mãn.
9. Tự mãn trong đời sống đạo là một nguy cơ lớn. Cá nhân tự mãn, tập thể tự mãn, đó là hiện tượng đang xảy ra. Khi coi đó là chuyện bình thường, thì nguy cơ càng trở nên trầm trọng.
10. Vì thế, lời Đức Mẹ dạy ở Fatima về sám hối, đáng được chúng ta thực hiện lúc này một cách thực tình kẻo sẽ quá muộn.
11. Tình hình đang diễn biến rất phúc tạp, hãy biết đón nhận nhiều hơn là cho đi.
12. Theo chiều hướng đó, tôi hay cầu nguyện một mình theo bài Thánh ca quen thuộc:
“Giữ gìn con Chúa ơi. Vì Chúa là chốn con tựa nương tháng năm. Trong cánh tay Người hồn con vui sống. Tình yêu Chúa khoan dung bền vững muôn đời.
Hồn con thao thức bên lòng Chúa. Chúa là gia nghiệp duy nhất đời con. Là chén phần phúc con trông mong. Con tiến dâng Người tấm lòng cậy trông.
Hồn con lên tiếng ca tụng Chúa. Chúa là hy vọng nâng đỡ đời con. Là chính cùng đích con trông mong. Nơi cánh tay Người vững một niềm tin.
Dìu con đưa bước trên đường sống. Nép mình bên Người chan chứa niềm vui. Hồn con còn dám trông mong chi. Dâng tiến cuộc đời kết hiệp cùng Cha.” (Ca tình tri ân – Lm Kim Long)
Long Xuyên, ngày 28.10.2021
Số lượt xem bài viết (7)
ĐGM GB. Bùi Tuần
1. Thú thực là nhiều lúc, nhất là lúc này, tôi quá khổ đau, như không còn muốn sống. Tôi thành thực nói tình trạng đó của tôi cho Đức Mẹ.
2. Tôi xác tín sự tôi xin Đức Mẹ an ủi tôi sẽ không làm Đức Mẹ buồn, mà còn ngược lại, Đức Mẹ sẽ vui vì tôi tin Đức Mẹ.
3. Không phải đợi lâu, tôi được Đức mẹ dẫn tôi đến với Chúa Giêsu. Tôi nhìn thấy Chúa Giêsu đi vào phòng tôi.
4. Ngài nói với tôi rõ ràng thế này: “Cha đến với con, để xóa tội cho con. Đúng là con như vực thẳm tội lỗi, như con đã tự nhận. Nay Cha đến với con, là để xóa tội cho con”.
5. Nghe vậy, tôi hết sức vui mừng. Không gì an ủi tôi bằng sự Chúa đến với tôi, để xóa tội cho tôi.
6. Như vậy, Chúa đến với tôi, là để cứu tôi cho khỏi tội lỗi, cho khỏi hình phạt của hỏa ngục, nhờ đó mà sẽ được lên Thiêng Đàng.
7. Sự an ủi đó giúp tôi cho mình lối sống khác xưa. Xưa, tôi cầu nguyện là xin ơn này ơn nọ. Nay, tôi cầu nguyện là chỉ xin ơn biết đón tiếp Chúa. Được đón tiếp Chúa là được đón nhận ơn an ủi do được Chúa xóa tội cho tôi.
8. Khao khát được gặp Chúa như vậy trở thành một thao thức. Thao thức đó giúp tôi sống phó thác mình cho Chúa một cách thường xuyên và mạnh mẽ.
9. Nhờ thao thức đó, tôi cảm nhận rất rõ Chúa đồng hành với tôi trong suốt cuộc đời. Cuộc đời càng phức tạp, thì Chúa càng ở bên tôi. Người ở bên tôi, như người cha giàu lòng thương xót, để ủi an, để dắt dìu, để giải cứu.
10. Nhiều khi tôi không nhận ra Chúa ở bên tôi. Nhưng hoặc sớm hoặc muộn, Đức Mẹ vẫn đánh thức lương tâm tôi, để tôi nhận ra sự hiện diện của Chúa trong từng giờ, từng phút, từng giây của cuộc sống này.
11. Tuy sao, sự an ủi Chúa ban cho tôi không miễn cho tôi những thử thách. Nghĩa là tôi vẫn phải phấn đấu với chính mình, với thế lực, với Satan.
12. Phấn đấu có lúc rất cam go. Nhưng Chúa chưa bao giờ ruồng bỏ tôi. “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”.
13. Đến giờ này, tôi mới hiểu sự an ủi của Chúa dành cho tôi luôn là một ơn trọng đại gắn liền với Thánh Giá để tôi có thể trở thành một của lễ, được kết hợp với của lễ Chúa Giêsu dâng trên Thánh Giá xưa.
14. Nhìn tổng quát những an ủi Chúa đã và đang ban cho tôi, tôi không thể không cảm tạ đặc biệt Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần phối hợp các an ủi Chúa ban cho tôi thành một nguồn sống thiêng liêng, ăn khớp với nhịp sống đức tin của Hội Thánh.
Chúa Thánh Thần nhẹ nhàng an ủi mọi tâm hồn thiện chí, không phân biệt trong công giáo hay ngoài công giáo, đưa họ vào Nước Chúa là Nước tình yêu và ân sủng.
Riêng với tôi, Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi tuyệt vời. Xin hết lòng cảm tạ Chúa.
Long Xuyên, ngày 24.10.2021
Số lượt xem bài viết (12)
ĐGM GB. Bùi Tuần
1. Lúc này hơn bao giờ hết, tôi thấy đức tin phát triển mạnh mẽ dưới nhiều hình thức tại Hội Thánh trên quê hương Việt Nam yêu dấu của tôi.
Tôi chỉ xin nêu lên một số hình thức phát triển sau đây.
2. Một là số người cầu nguyện nhiều hơn trước.
Do tình hình dịch bệnh, rất nhiều ngời công giáo cầu cứu với Chúa. Họ sống thinh lặng hơn, sống chậm hơn. Họ có giờ nói với Chúa nhiều hơn trước.
3. Hai là số người công giáo làm việc từ thiện nhiều hơn trước.
Lòng họ mở ra, như bắt được tần số ngầm nơi những người đau khổ xung quanh họ. Như vậy, họ biết đau cái đau của người khác. Từ đó, mà họ gần lại nhau, họ chia sẻ một cách thầm lặng.
4. Ba là số người công giáo nghĩ về cõi sau một cách sâu sắc nhiều hơn trước.
Họ cảm thấy rất rõ cuộc đời họ là một chuyến đi về cõi sau. Chết là bước vào cõi sau. Lúc đó, họ sẽ phải đối diện với Chúa. Sẽ lãnh nhận phần thưởng hay hình phạt do cuộc sống của mình ở trần gian.
5. Bốn là số người công giáo trở về với Chúa nhiều hơn trước.
Trước đây họ sống dửng dưng với đức tin. Bây giờ họ sống dấn thân hơn cho đời sống đức tin. Đức tin của họ không có tính cách trình diễn, mà thực chất giữa mình với Chúa mà thôi.
6. Năm là những hình thức loan báo Tin Mừng đột nhiên bùng phát khắp nơi nhiều hơn trước.
Các lễ trực tuyến, các nội san, các nhóm cầu nguyện, các Thánh lễ với quy tụ nhỏ. Tất cả như một sự sống mới lan tỏa khắp nơi.
7. Đức Mẹ cho tôi nhìn thấy đức tin của Hội Thánh tại Việt Nam hôm nay là rất đang lạc quan.
8. Riêng tôi, tôi đang nhờ đức tin như thế, mà đi về với Chúa.
Thú thực là tôi đang đau nhiều lắm. Nhưng tôi đứng dậy được, tôi bước đi được, tôi tự mình làm vệ sinh cho mình được, tôi viết bài được. Tôi coi tất cả ơn đó là nhờ đức tin của nhiều người tại Hội Thánh Chúa. Họ đang đỡ nâng tôi. Tôi rất cảm ơn họ.
9. Tuy nhiên, Đức Mẹ khuyên tôi và Hội Thánh địa phương hãy nhớ thực hiện lời sau đây của Thánh Phêrô:
“Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sử tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé”. (1Pr 5, 8)
Đúng là như vậy.
10. Lạy Chúa, xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa, mà ban cho chúng con ơn bình an và hiệp nhất theo Thánh ý Chúa.
Long Xuyên, ngày 22.10.2021
Số lượt xem bài viết (7)
ĐGM GB. Bùi Tuần
1. Tình hình đang diễn biến rất phức tạp. Mà tôi thì già yếu, mệt mỏi như muốn tắt thở. Tôi mở Phúc Âm, thì gặp ngay đoạn kể lại những phút sau cùng Chúa Giêsu sắp tắt thở trên Thánh giá.
2. Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng:“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở”. (Lc 23, 46)
3. Đọc xong, tôi được Đức Mẹ cho biết, khi Chúa Giêsu nói những lời sau hết trên đây, thì có Đức Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá. Đức Mẹ hiểu ý Chúa Giêsu. Nên từ đó Đức Mẹ luôn phó thác mình cho Chúa Cha.
4. Đức Mẹ khuyên tôi cũng hãy bắt chước Mẹ.
5. Được Đức Mẹ giúp, tôi coi những giờ phút hiện giờ tôi đang sống là một cuộc tôi trở về với Thiên Chúa là Cha.
6. Trên đường trở về, động lực mạnh nhất thôi thúc tôi, đó là phó thác.
7. Khi phó thác, tôi được Đức Mẹ dạy tôi là phải hết sức khiêm nhường.
8. Về khiêm nhường, thì Thánh Phêrô quả quyết: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường”.(1Pr 5, 5b)
9. Về khiêm nhường, thì Thánh Phaolô rất rõ ràng, khi Ngài xưng mình là kẻ yếu đuối, “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, sự ác tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7, 12).
10. Riêng tôi, tôi được Đức Mẹ dạy tôi bằng chính cuộc sống của tôi. Cuộc sống của tôi là yếu đuối, là tội lỗi: Nếu tôi được như hôm nay, thì hoàn toàn do lòng Chúa xót thương tha thứ tội lỗi cho tôi.
11. Lúc này hơn bao giờ hết, tôi thấy Đức Mẹ đang giúp nhiều người trở về với Chúa là Cha.
Sự trở về của họ thực rất lạ lùng nhất là ở sự họ phó thác mình cho Chúa.
12. Cụ thể là nhiều người đã nhờ chuỗi tràng hạt Mân Côi mà trở về với Chúa
13. Trong mọi hình thức trở về với Chúa, bao giờ cũng có sám hối và tin tưởng vào lòng thương xót Chúa.
14. Tôi đang trở về với Cha trên trời. Xin anh chị em thương cầu nguyện cho tôi. Tất nhiên, tôi luôn phó thác anh chị em, từng người cho Đức Mẹ
Long Xuyên, ngày 18.10.2021
Số lượt xem bài viết (1)
ĐGM GB. Bùi Tuần
1. Sáng nay, Chúa Giêsu đến gặp tôi. Chúa hỏi: Con muốn Cha làm gì cho con? Tôi nhìn Đức Mẹ, thì Đức Mẹ gợi ý cho tôi là: Hãy xin Chúa cứu con khỏi tội lỗi trong con.
2. Trong giây lát, tôi nhìn thấy tôi là kẻ tội lỗi, và Đấng cứu tôi khỏi tội là Chúa.
Nhận thức đó mở đầu cho cuộc gặp gỡ giữa Chúa và tôi.
3. Cuộc gặp gỡ càng sâu, tôi càng nhận rõ hơn điều mà Chúa muốn nơi các môn đệ Chúa lúc này, đó là hãy chống tội lỗi trong chính bản thân mình. Nhờ vậy mà Hội Thánh, Tổ quốc, đồng bào sẽ được cứu.
4. Chống tội lỗi trong chính bản thân mình sẽ khởi đi từ sám hối.
5. Lúc này hơn bao giờ hết, mọi tín hữu đều coi sám hối là việc Chúa mời gọi tha thiết nhất.
6. Lúc này, các mục tử khắp nơi đều nhấn mạnh đến sám hối. Sám hối trong phụng vụ. Sám hối trong tu đức. Sám hối trong truyền giáo.
7. Chính các mục tử đang nêu gương sáng về sám hối trong cuộc sống của mình.
8. Gương sáng về sám hối không đặt nặng hình thức, mà quan tâm nhiều đến tâm tình bên trong. Thí dụ quan tâm lo an ủi, đỡ nâng những đối tượng gặp cảnh cô đơn, bị xã hội từ chối. Nhất là họ dám chịu đau khổ thay cho những người khác.
9. Họ đau cái đau của người khác. Họ chia sẻ nỗi đau của người khác.
Họ bén nhạy trước cảnh đau khổ của người khác, nên đi bước trước trên đường liên đới.
10. Sám hối, đền tội mình bằng những việc bác ái, đó là cách lo cứu mình cho khỏi tội.
11. Nhờ vậy, họ sẽ được Chúa cứu cho khỏi hỏa ngục.
12. Cứu cho khỏi hỏa ngục, đó là điều Chúa nhấn mạnh trong Phúc Âm, và nhất là lúc này.
13. Tới đây, tôi sực nhớ đến lời kinh Đức Mẹ dạy ở Fatima.
Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con. Xin gìn giữ chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin đem hết thảy các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa hơn.
14. Cứu cho khỏi tội lỗi,
Cứu cho khỏi hỏa ngục.
Đó là những gì cần thiết, mà lúc này Đức Mẹ đang nhắc cho chúng ta.
15. Như vậy, sám hối thực tình luôn gắn liền với cầu nguyện khiêm nhường. Thế rồi, đơn sơ phó thác.
Long Xuyên, ngày 26.9.2021
Số lượt xem bài viết (27)
ĐGM GB. Bùi Tuần
1. Niềm vui lớn nhất của tôi lúc này là được Đức Mẹ giúp tôi thuộc trọn về Chúa.
2. Tôi thuộc về Chúa, do lòng thương xót Chúa, cho dù tôi tội lỗi, muôn vàn bất xứng.
3. Tôi thuộc về Chúa, do Đức Mẹ cầu bầu, cho dù tôi là kẻ có tội hơn mọi người khác.
4. Đối với tôi, được thuộc về Chúa là được Chúa nhận tôi làm con của Chúa, được quyền gọi Chúa là Cha.
5. Đối với tôi, được thuộc về Chúa là được Chúa nhận là môn đệ, là tông đồ của Chúa Giêsu.
6. Đối với tôi, được thuộc về Chúa là được Chúa sai đến với những kẻ khốn cùng, để chia sẻ Tin Mừng lòng thương xót Chúa cho họ.
7. Tôi thuộc về Chúa, nên lòng tôi nhẹ nhàng, thanh thản. Tôi trở nên bé nhỏ, tuyệt đối tin vào Chúa.
8. Tuy nhiên, Đức Mẹ dạy tôi luôn phải tỉnh thức và cầu nguyện, nhất là phải phấn đấu với chính mình. Bởi vì tôi càng thuộc về Chúa, thì Satan càng ra sức tấn công tôi, để tôi trở nên con người bị chối từ.
9. Xưa, Chúa Giêsu bị treo trên thánh giá, là do nội bộ những người có đạo đã từ chối Ngài.
10. Cảnh đau thương đó vẫn tái diễn trong lịch sử dưới nhiều hình thức cho đến bây giờ.
11. Bị chối từ, ngay trong chính nội bộ những người xưng mình thuộc về Chúa. Đó là nỗi đau lớn, đó là những tổn thương sâu đậm, nhiều người đã gặp. Tôi cũng đã gặp.
12. Riêng tôi, tôi được Đức Mẹ dạy là hãy sống cảnh đau xót đó như một thánh lễ. Tôi trở thành của lễ, kết hợp với của lễ Chúa Giêsu dâng trên thánh giá xưa.
13. Sống thân phận kẻ bị chối từ, nhưng không vì thế, mà khóa chặt lòng mình. Lòng họ vẫn rộng mở, theo gương trái tim Chúa.
14. Bị chối từ, nhưng không từ chối.
15. Hãy coi đây là một ơn huệ Chúa ban. Ơn này mới chỉ là khởi đầu cho nhiều ơn khác, mà Chúa dành cho những người con của Đức Mẹ.
16. Tôi thuộc về Chúa, nên tôi luôn sống trong tâm tình cảm tạ Chúa.
Tôi hay cùng với Đức Mẹ dâng lên Chúa lời kinh Magnificat “Linh hồn tôi tung hô Chúa”.
Long Xuyên, ngày 24.9.2021
Số lượt xem bài viết (1)
ĐGM GB. Bùi Tuần
1. Mấy ngày này, tình hình diễn biến rất phức tạp, về mọi mặt, trong đạo cũng như ngoài đời.
Tôi như nản lòng. Tôi nghe có người quá nản, đã tự tử.
2. Tôi cầu nguyện với Đức Mẹ. Thì Đức Mẹ dạy tôi: “Chính lúc này, con cần phấn đấu. Gương phấn đấu là thánh Giuse.”
3. Nghe Đức Mẹ dạy, tôi hiểu sống đạo lúc này là phải phấn đấu. Tình hình càng khó khăn, càng nhiều thử thách, thì các con của Đức Mẹ càng phải phấn đấu.
4. Nhận thức điều Đức Mẹ dạy, tôi coi phấn đấu là một việc tôi nên chọn lúc này. Tôi thấy nhiều người con của Mẹ xung quanh tôi cũng đang vâng lời Mẹ, mà phấn đấu.
5. Xưa, thánh Giuse đã suốt đời phấn đấu với chính mình.
+ Ngài phấn đấu bằng khiêm tốn.
+ Ngài bỏ đi mọi tính toán theo sự khôn ngoan thế gian. Ngài coi sự vâng phục thánh ý Chúa là cần thiết tuyệt đối. Ngài vâng phục mau lẹ, kiên trì.
+ Ngài phấn đấu bằng phục vụ lặng thầm.
+ Ngài phấn đấu bằng lắng nghe những báo mộng của Chúa.
+ Ngài phấn đấu bằng phó thác cuộc sống mình và cái chết của mình trong tay Chúa Giêsu và Đức Mẹ.
6. Nay, nhiều người kính thánh Giuse cũng đang phấn đấu với chính mình như vậy.
Tình hình càng khó khăn, phức tạp, họ càng coi việc phấn đấu với chính mình là khẩn thiết.
7. Tu đức nơi họ đặt nặng việc phấn đấu với chính mình, chứ không phải là phấn đấu với xã hội, chống lại xã hội.
8. Hơn nữa, họ coi việc họ lo tu đức phấn đấu với chính mình sẽ có lợi cho chính xã hội.
9. Riêng tôi, tôi thấy phấn đấu với chính mình là việc rất khó.
Mặc dầu đã hết sức cố gắng, tôi vẫn thấy mình luôn phải bắt đầu lại.
Ngày nào, giờ nào, phút nào, tôi cũng cần Mẹ giúp cho những phấn đấu mới.
10. Rất mừng là Đức Mẹ đã và đang giúp tôi bằng nhiều cách. Hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp qua các thành phần trong Hội Thánh.
11. Phấn đấu với chính mình, đó là hành trình cuộc sống của tôi. Phấn đấu mà vui. Phấn đấu mà hy vọng.
12. Tới đây, tôi thấy rõ: Phấn đấu theo gương thánh Giuse là một tu đức rất cần cho các môn đệ Chúa tại Việt Nam lúc này.
13. Nhờ tu đức đó, chúng ta sẽ mang lại cho nhau những yêu thương, những liên đới ngọt ngào, những đỡ nâng đầy an ủi.
14. Phấn đấu với chính mình đang trở thành nguồn sống cho Hội Thánh tại Việt Nam, cho dù tình hình lúc này là rất phức tạp.
Long Xuyên, ngày 22.9.2021
Số lượt xem bài viết (26)
ĐGM GB. Bùi Tuần
1. Tôi mới đọc lại sách Tông Đồ Công vụ, thấy đoạn sau đây khiến tôi lo cho chính mình và cho Hội Thánh hiện nay:
“Có một người tên là Khanania cùng với vợ là Xaphira bán một thửa đất. Ông đồng ý với vợ giữ lại một phần tiền, rồi đem phần còn lại đặt dưới chân các Tông Đồ. Ông Phêrô mới nói: ‘Anh Khanania, sao anh lại để Xatan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần, mà giữ lại một phần giá thửa đất? Khi đất còn đó thì nó chẳng còn là của anh sao? Bán đi rồi thì anh chẳng có quyền sử dụng tiền bán đó sao? Sao anh lại rắp tâm làm việc ấy? Anh đã không lừa dối người phàm, mà lừa dối Thiên Chúa.’ Nghe những lời ấy, Khanania ngã xuống tắt thở. Tất cả những ai nghe kể lại chuyện này đều rất sợ hãi. Các thanh niên đến liệm xác ông và đem đi chôn.
“Khoảng ba giờ sau, vợ ông đi vào mà không hay biết chuyện đã xảy ra. Ông Phêrô lên tiếng hỏi: ‘Chị nói cho tôi hay: anh chị bán thửa đất được bấy nhiêu, phải không?’ Chị ta đáp: ‘Vâng, được bấy nhiêu thôi.’ Ông Phêrô liền nói: ‘Sao anh chị lại đồng lòng với nhau để thử thách Thần Khí Chúa? Kìa những người đã chôn cất chồng chị còn đứng ở ngoài của, họ sắp khiêng cả chị đi đấy!’ Lập tức bà ta ngã xuống dưới chân ông Phêrô và tắt thở. Khi vào, các thanh niên thấy bà đã chết, liền khiêng đi chôn bên cạnh chồng. Toàn thể Hội Thánh và tất cả những ai nghe kể chuyện này đều rất sợ hãi.” (Cv 5,1-11)
2. Chuyện trên đây dạy tôi điều này: Có những lỗi ai cũng tưởng là lỗi nhỏ, thế mà hậu quả lại quá nặng nề. Vợ chồng ông Khanania dâng cúng của cải cho Hội Thánh, nói là có bao nhiêu thì dâng cúng hết, nhưng thực sự vẫn giữ lại một phần nhỏ. Thế là hai ông bà đã bị thánh Phêrô kết án nặng nề như sau:
– Để Satan xâm chiếm lòng mình,
– Lừa dối Chúa Thánh Thần, hậu quả là bị chết đau đớn.
3. Chuyện trên đây là một bài học cho tôi và cho các môn đệ Chúa trong tình hình hiện nay.
+ Nói không đúng sự thực, mà lại cho là chuyện bình thường.
+ Nói dối, để tìm lợi cho cộng đoàn đức tin, mà tưởng đó là việc lành.
+ Nói có hại cho người khác mà vẫn an tâm.
4. Đức Mẹ cho tôi thấy hình ảnh vợ chồng Khanania đang xuất hiện đó đây, ngay tại Hội Thánh Việt Nam lúc này.
5. Xin Mẹ thương cứu chúng ta.
Long Xuyên, ngày 19.9.2021
Số lượt xem bài viết (22)
ĐGM GB. Bùi Tuần
1. Đã từ rất lâu rồi, nhưng nhất là lúc này, tôi cảm thấy trong tôi một trái tim thao thức. Thao thức mãnh liệt. Thao thức thường xuyên. Tôi thao thức gặp gỡ Đức Mẹ Maria, mẹ của tôi.
2. Khi gặp Đức Mẹ Maria, tôi thấy Mẹ có đủ mọi tước hiệu, đã được kể ra trong Phụng vụ, trong Kinh cầu Đức Bà. Nhưng đối với riêng tôi, Mẹ mang một cái gì rất riêng tư. Yếu tố riêng tư đó không thể diễn tả được.
3. Với yếu tố riêng tư đó, Mẹ là người tôi luôn yêu mến, luôn khao khát, luôn đợi chờ, luôn nhớ nhung, luôn gắn bó.
4. Tôi luôn thao thức về Mẹ. Thao thức đó luôn đổi mới tôi.
Từ một người hay bi quan, tôi được đổi mới thành người lạc quan. Tôi lạc quan, nhờ có Mẹ.
5. Từ một người hay sợ hãi, tôi được đổi mới thành người phó thác. Tôi phó thác, nhờ có Mẹ.
6. Đổi mới chính mình, nhờ Mẹ. Đó là điều tôi ca ngợi và cảm tạ Chúa, từng giờ, từng phút.
7. Thực vậy, tôi thấy không gì vui cho bằng thấy mình được đổi mới theo đúng hướng của Chúa.
8. Đức Mẹ là hướng Chúa chọn cho tôi lúc này.
Đức Mẹ là hướng Chúa cũng chọn cho Hội Thánh lúc này.
Đức Mẹ là hướng Chúa cũng chọn cho cả nhân loại lúc này.
9. Với xác tín đó, tôi sống rất mật thiết với Đức Mẹ. Lúc nào cũng nhớ Mẹ. Việc gì cũng gọi Mẹ.
10. Đức Mẹ là thao thức của tôi. Ngay khi tôi dâng thánh lễ, và làm giờ thánh kính lòng thương xót Chúa, tôi vẫn có Mẹ thao thức ở bên tôi. Nhờ vậy mà tôi trở nên bé nhỏ, được Mẹ ấp ủ, yêu thương, an ủi.
11. Những ngày này, khi nhiều đồng bào của tôi, Tổ quốc của tôi, Hội Thánh của tôi, trong cơn gian nan khốn khó khác thường, tôi cũng thấy Đức Mẹ thao thức ở giữa chúng tôi. Có vẻ như Mẹ khóc. Tôi không rõ Mẹ đang nói gì với Chúa. Chỉ chắc là Mẹ nói với Chúa về các con của Mẹ.
12. Tôi tin, nhờ Mẹ cầu bầu, Chúa đang rộng mở kho tàng lòng thương xót Chúa, để cứu chúng ta.
13. Đức Mẹ đang thao thức. Các con của Mẹ cũng đang thao thức. Tôi sống trong bầu khí thao thức đó. Và tôi thấy mình được bình an, một sự bình an mà chỉ Chúa mới ban cho được mà thôi.
14. Đến đây, tôi thấy rõ: Biết sống thao thức, đó là một ơn cao quý Chúa thương ban.
Long Xuyên, ngày 17.9.2021
Số lượt xem bài viết (20)